Wolfgang Pauli (1900-1958) là một trong những khoa học gia đại tài của thế giới . Chẳng những ông đã giúp khám phá ra nhiêù bí ẩn về cái cấu trúc căn bản của vũ trụ vật chất , mà còn để lại cho ta một kho tàng không nhỏ về cái thế giới tiềm thức nội tâm . Pauli đã ghi chép kỹ càng bao sự kiện, bao nhận xét, mà ông đã cảm thấy trong những khi đắm chìm nơi cõi mộng . Các ký ức mà Pauli đã lưu lại rất có thể sẽ giúp chúng ta tự soi đuờng cho mình, để không phải mãi nổi trôi phiêu bạt vật vờ trong cái biển mơ của cuộc sống ?
Chẳng mấy ai biết rằng ông đã từng tìm tới bác sĩ Carl Jung để được chữa trị về tâm thần . Thoạt đầu thì mối quan hệ giữa Jung và Pauli vốn như là bác sĩ với bệnh nhân. Dần dần thì hai người đã trở thành bằng hữu và cộng tác viên trong cái công cuộc nghiên cứu về thế giới tiềm thức . Các tài liệu để lại bởi Pauli sau khi ông qua đời cho ta thấy rằng ông đã tỏ ra rất tích cực trong việc tìm hiểu đời sống nội tâm của mình . Pauli đã từng ghi chép rõ hàng trăm giấc mơ của ông và nghiên cứu chúng một cách tỉ mỉ , không khác chi những dữ kiện về khoa học vật lý vậy .
Carl Jung đã từng liệt kê và phân tích nhiều giấc mơ do ông Pauli ghi lại . Dưới đây là một thí dụ nổi tiếng nhất , trích từ trong sách của Jung:
Pauli’s “World Clock” dream
(Originally published by C. G. Jung in Psychology and Alchemy):
There is a vertical and a horizontal circle, having a common centre. This is the world clock. It is supported by the black bird. The vertical circle is a blue disc with a white border divided into 4 X 8 — 32 partitions. A pointer rotates upon it. The horizontal circle consists of four colours. On it stand four little men with pendulums, and round it is laid the ring that was once dark and is now golden (formerly carried by four children).
The world clock has three rhythms or pulses:
The small pulse: the pointer on the blue vertical disc advances by 1/32.
The middle pulse: one complete rotation of the pointer. At the same time the horizontal circle advances by 1/32.
The great pulse: 32 middle pulses are equal to one complete rotation of the golden ring. (p. 194).
The World Clock. An impression generated by artist W. Beyers-Brown based on accounts of Pauli’s dream.
tạm dịch như sau:
Giấc Mơ về “Đồng Hồ Toàn Giới ”
Trong giấc mơ này Pauli thấy có hai hình tròn , một cái đứng thẳng , một cái nằm ngang. Cả hai lồng vào nhau và có cùng một tâm điểm . Đây là cái Đồng Hồ Toàn Giới, được một con chim màu đen đội lên .
Cái hình tròn thẳng đứng là một cái dĩa màu xanh dương với cái viền màu trắng, được chia làm 4×8, tất cả là 32 phần. Trên cái dĩa này có một cái kim đồng hồ đang quay.
Cái hình tròn nằm ngang thì chia thành 4 phần với 4 màu khác nhau. Trên mỗi phần có một người tí hon đứng cầm quả lắc . Bao quanh cái dĩa này còn có một cái vòng nữa , thoạt đầu thì nó tối thui nhưng bây giờ đã hoá ra vàng choé .
Cái Đồng Hồ Toàn Giới này có ba nhịp đập khác nhau:
- Tiểu Nhịp: là nhịp của cái kim đồng hồ trên dĩa màu xanh dương , quay 1/32 vòng tròn này.
- Trung Nhịp: cái dĩa tròn nằm ngang sẽ quay 1/32, mỗi khi cái dĩa đứng quay đủ một vòng .
- Đại Nhịp: 32 cái nhịp đập của dĩa tròn nằm ngang thì bằng một đại nhịp của cái vòng vàng .
.
Bác sĩ Carl Jung đã từng tạo dựng lên một mô hình rất hợp lý và hữu dụng về tâm thức của con người . Nó mang tới cho ta một cái chìa khóa có thể được dùng để khai mở thêm những ý nghĩa gói kín trong giấc mơ Đồng Hồ Toàn Giới (DHTG) của ông Pauli .
Theo Carl Jung thì mỗi con người ngoài cái thể xác ra còn có một thần hồn (psyche) bao gồm tất cả những khía cạnh khác của nhân tính như tư tưởng, cảm xúc, linh tính và trực giác ..v..v..Jung phân chia cái môi trường sinh hoạt của thần hồn ra thành ba phần: cõi tri thức (conscious realm) , cõi tiềm thức cá nhân (personal unconscious realm) , và cõi tiềm thức tập thể (collective unconscious realm) .
Trên thực tế thì ba phần này không có các ranh giới nào ngăn cách rõ rệt , chúng có thể chồng chất và hoà trộn lẫn lộn với nhau . Cõi tri thức bao gồm mọi sự kiện mà ta có thể nhận biết ghi nhớ rõ ràng trong nếp sống bình thuờng . Cõi tiềm thức cá nhân , đằng khác, là cái kho lưu trữ của mọi dữ kiện , mọi yếu tố dù đã chìm sâu trong tâm khảm, không còn đuợc ta muốn nhớ hay muốn biết tới nữa, nhưng chúng vẫn tiếp tục gây ra bao ảnh hưởng ngấm ngầm và mãnh liệt trong suốt đời người . Đào sâu hơn nữa thì sẽ tới cái cõi tiềm thức tập thể , một kho tàng ký ức chung của nhân loại .
Cõi tiềm thức tập thể có chứa đựng những tiềm năng căn bản vốn luôn thúc đẩy và điều động sự sống của mọi người . những tiềm năng này thường xuất hiện duới dạng thức của các khuôn mẫu nhân cách sơ đẳng không lệ thuộc vào các trào lưu văn hoá khác nhau của thế gian . Carl Jung gọi những dạng thức khuôn mẫu này là archetype (tiềm biểu tượng, TBT) . Chúng khiến cho tất cả mọi người khi sống trên đời đều có thể trải qua những kinh nghiệm cốt yếu, bất kể bao khác biệt về chủng tộc, văn hoá và tôn giáo ..v..v.. Chẳng hạn như chúng khiến ta biết cười vui, biết khóc buồn, khiến ta muốn có một tên riêng, một cá tính riêng, muốn theo đuổi một đuờng hướng sinh hoạt chi đó ...
Carl Jung đã liệt kê ra một số TBT căn bản mà ông cho rằng có ảnh hưởng thường xuyên tới đời sống của mọi người trên thế gian . Cái TBT chủ chốt nhất được gọi là Chân Nhân (The Self), nó chỉ định tới toàn thể thần hồn (psyche) của một cá nhân . Cần nhớ rằng "Chân Nhân" khác biệt với "cái ngã" (ego) . Theo Carl Jung thì "cái ngã " chỉ là trọng tâm của tri thức thôi , trong khi đó "Chân Nhân" ám chỉ chẳng những cái tâm điểm mà còn bao gồm cả chu vi của tiềm thức (unconscious) lẫn tri thức (concious) .
"Chân Nhân" là cái cội rễ nảy sinh ra các ảnh tượng của những mẫu người siêu việt, chẳng hạn như hình ảnh vua chúa, như bậc anh hùng, tiên tri, hiền tài ..v.v. Thêm vào đó , "Chân Nhân" cũng thể hiện qua những dạng thức tượng trưng cho cái sự phối hợp chu toàn nhất thể, chẳng hạn như cái hình tròn với tâm điểm ở giữa , hay cái hình vuông với bốn góc, bốn khía cạnh. "Chân Nhân" còn ám chỉ sự kết hợp của các điều tương phản trong thế gian , tượng trưng bởi cái biểu hiệu âm-dương (yin-yang) xoay quyện lẫn nhau (trong đồ hình bát quái) . Nói chung , "Chân Nhân" tượng trưng cho cái mục tiêu lý tưởng mà con người cần hướng tới trong cuộc sống: ráng sao hoà hợp đuợc mọi lực lượng đối nghịch, cố sao đạt đuợc một trạng thái quân bằng vững vàng giữa bao nhiêu lôi kéo xô đẩy đến từ ngoại cuộc hay nổi lên từ nội tâm .
Trong các giấc mơ, Chân Nhân thuờng được biểu hiện qua những hình ảnh gợi lên một ấn tượng về sự toàn vẹn mỹ mãn, về sự phối hợp bao điều tương phản, như giữa tối và sáng, giữa tri thức và tiềm thức, giữa nam tính và nữ tính ..v..v.. Thí dụ của các khuôn mẫu này gồm có ảnh tượng của những siêu nhân thánh thiện, như Chúa, như Phật, hoặc giả là các dạng thức như hình thập tự , hình vuông, hình tròn và hình cầu .
Dựa vào cái mô hình cho tâm thức của C Jung , ta có thể nói rằng giấc mơ DHTG đã bày tỏ cho ông Pauli thấy khá nhiều chi tiết chứa đựng trong cõi tiềm thức: Các vòng tròn với cùng một tâm điểm coi như đã nhấn mạnh sự hiện diện của Chân Nhân, cái tiềm lực vốn là nền tảng cho bao khía cạnh, bao đặc tính phụ thuộc khác trong đời người . Cái vòng tròn với bốn màu sắc nêu ra một ấn tượng rằng "Chân Nhân" bao gồm bốn phần tử chính, chẳng hạn như: ký ức, cảm xúc, lý trí và trực giác . Mỗi phần tử này có một nhịp sinh hoạt riêng (ám chỉ bởi 4 hình người cầm riêng một quả lắc) . Tuy nhiên trên bình diện tổng quát thì toàn thể thần hồn của một con người còn có những nhịp sống phức tạp và độc lập khác nữa , như biểu hiện bởi các tiểu nhịp, trung nhịp và đại nhịp được kể trên . Điều này có thể được hiểu rõ hơn bằng cách so sánh những nhịp sống của thần hồn với các nếp sinh hoạt tự động của các bộ phận trong cơ thể của mình: thí dụ trái tim luôn đập theo kiểu chắc-chắc-bùm của nó , bao tử và đường ruột thì sôi ba bốn lần mỗi ngày, mũi thở dồn dập lúc chậm lúc nhanh, còn mắt thì thường nháy lia lịa ..v..v.. Cái thần hồn (psyche) của ta chắc là cũng vậy, luôn luôn hoạt động âm thầm, ngấm ngầm theo nhiều nhịp điệu đã từng được dàn xếp sẵn theo các khuôn mẫu trong cõI tiềm thức tập thể .
Tuy là một người với trí tuệ lỗi lạc về khoa học, trong đời sống nội tâm và xã hội ông Pauli đã lại gặp phải nhiều bế tắc khó khăn. Giấc mơ này có thể đã hiện ra từ tiềm thức với mục đích giúp cho ông Pauli thấy cái cấu kết cơ bản của thần hồn, của các động lực thúc đẩy từ bên trong, để mà rồi tìm cho ra được các phương cách tương xứng trong đời sống . Xét ra thì chỉ những người với một khả năng tâm trí xuất sắc như ông Pauli mới có thể tiếp nhận và ghi nhớ rõ đủ mọi chi tiết mạch lạc như được biểu lộ qua giấc mơ kể trên .